Chuyển đổi kinh tế số: ”Chìa khóa” phục hồi hậu Covid-19
Mặc dù nhiều quốc gia đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19, số ca mắc mới vi rút SARS-CoV-2 cũng đang giảm dần, song đại dịch vẫn gây tác động mạnh và ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng kinh doanh trên các nền tảng công nghệ đang được coi là “chìa khóa” giúp các nước trong quá trình hồi phục hậu Covid-19.
Dịch Covid-19 đã mang đến mối quan ngại chưa có tiền lệ về sự lan truyền vi rút qua tiền mặt và khi tham gia các giao dịch có tiếp xúc gần. Do đó, để duy trì hoạt động thanh toán bình thường của nền kinh tế, nhiều quốc gia có những chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và củng cố niềm tin của người dân khi tham gia giao dịch trực tuyến. Kết quả là, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng trong thời gian qua đã phát triển nhanh chóng.
Một nghiên cứu của nhà vận hành máy rút tiền tự động (ATM) lớn nhất nước Anh cho thấy, việc sử dụng ATM ở nước này đã giảm khoảng 60% so với trước khi đại dịch xuất hiện. Hoạt động rút tiền thông qua ATM ở Thụy Sĩ cũng giảm gần 50%. Báo cáo của Ngân hàng HSBC cũng chỉ ra sự dịch chuyển rõ rệt trong phương thức kinh doanh của các cửa hàng truyền thống, từ thanh toán trực tiếp sang trực tuyến hoặc sử dụng ví điện tử.
Tại Thụy Sĩ, hơn 11,000 nhà bán lẻ đã tham gia hệ thống thanh toán không tiếp xúc, cho phép khách hàng thực hiện giao dịch thông qua mạng NFC (kết nối không dây tầm ngắn). Xu hướng này đang định hình lại cách thức kinh doanh và là “cứu cánh” giúp các doanh nghiệp mở rộng hoạt động trong thế giới cạnh tranh hậu Covid-19 vì cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng cơ hội tiếp cận nhiều thị trường.
Mới đây, tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối vì sự thịnh vượng chung: Động cơ thiết yếu của nền kinh tế kỹ thuật số”, Bộ trưởng Vận tải và Liên lạc Peru Eduardo Gonzalez nhấn mạnh, năm 2020 với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, cuộc sống của con người đã bị đảo lộn, nhu cầu sử dụng internet gia tăng mạnh mẽ và tạo ra một thói quen kỹ thuật số -dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo. Nhiều quốc gia đã đề xuất thúc đẩy thị trường kỹ thuật số nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19, cải thiện khả năng tiếp cận thương mại trực tuyến và thúc đẩy các nguồn tăng trưởng giúp nâng cao năng suất.
Các chuyên gia nhận định, mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn làm các nền kinh tế thay đổi trên hai bình diện, đó là phương thức sản xuất (nguồn lực, hạ tầng, cách thức vận hành sản xuất kinh doanh) và cấu trúc kinh tế. Trong đó, đáng chú ý, bên cạnh các nguồn lực truyền thống, đã xuất hiện nguồn lực phát triển mới, như: Tài nguyên số, của cải số…
Sự chuyển dịch hành vi sử dụng giao dịch điện tử cũng là một xu thế tích cực bởi những hiệu quả không thể phủ nhận. Đối với nền kinh tế, sử dụng ít tiền mặt hơn nghĩa là tiết kiệm được chi phí xã hội. Theo phân tích của tờ The Economist, hằng năm chi phí để quản lý tiền mặt nói chung bằng khoảng 0.5-1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đối với người dân, thanh toán trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian và mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính. Thanh toán qua ngân hàng nhiều hơn cũng giúp tăng tính minh bạch của nền kinh tế, hạn chế các hoạt động kinh tế ngầm, các hành vi tham nhũng, trốn thuế.
Vì vậy, một trong những mục tiêu mà thế giới đang hướng đến sau cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ là xây dựng hệ thống tài chính mang tính số hóa cao hơn. Những quốc gia đón đầu được xu hướng này thông qua việc nhanh chóng chuyển đổi nền tảng công nghệ số sẽ có cơ hội “bứt phá” trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. (HNM)