Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TQ cấm đánh bắt cá, lãnh đạo Việt Nam khẳng định ‘cấm cứ cấm, đánh cứ đánh’

Trước lệnh cấm đánh bắt cá phi lý trên Biển Đông (bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) của Trung Quốc, lãnh đạo các cơ quan ban ngành của Việt Nam đã động viên các ngư dân tiếp tục bám biển và quả quyết: ‘Cấm cứ cấm, đánh cứ đánh’.

Cụ thể, trước lệnh cấm phi lý trên của chính quyền Trung Quốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, ông Phùng Đình Toàn – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi – quả quyết: “Trung Quốc cấm cứ cấm. Ngư dân cứ yên tâm đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam”.

Đồng quan điểm trên, ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam khẳng định, đây là lệnh cấm không có giá trị, ngư dân Quảng Nam nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung vẫn sẽ tiếp tục bám biển.

Tuy nhiên, theo ông Tấn, trong khoảng thời gian Trung Quốc áp đặt lệnh cấm, hoạt động đánh bắt của ngư dân nước ta thường gặp trở ngại, do đó, các cơ quan ban ngành của tỉnh luôn động viên, khuyến khích ngư dân thành lập các tổ từ 5-10 tàu để đi đánh bắt.

Trước lệnh cấm đánh bắt cá phi lý của chính quyền Trung Quốc, lãnh đạo Việt Nam khẳng định ‘Cấm cứ cấm, đánh cứ đánh’. (Ảnh qua vietnamnet)

“3,5 tháng thực hiện lệnh cấm (từ trưa 1/5 đến ngày 16/8), Trung Quốc luôn tìm cách xua đuổi, gây khó dễ, cản trở ngư dân Việt Nam khai thác hải sản. Do đó, các cơ quan ban ngành của tỉnh luôn động viên, khuyến khích ngư dân thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt (từ 5-10 tàu).

Các tàu trong cùng một tổ sẽ đánh bắt cách nhau 2-3 hải lý, nếu gặp tàu lạ tấn công thì sẽ liên lạc và hỗ trợ nhau”, ông Tấn chia sẻ và khẳng định, khi chứng kiến các tàu cá Việt Nam đi theo nhóm, phía Trung Quốc sẽ có phần e ngại, không dám ức hiếp.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cũng cho biết, trong những ngày đầu Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt, hoạt động khai thác hải sản của ngư dân vẫn diễn ra bình thường. 

“Hơn 2 thập kỷ qua, ngư dân Bình Châu – địa phương có số lượng tàu đánh bắt ở Hoàng Sa xếp vào loại nhiều nhất nước đã thấm nhuần lệnh cấm không có giá trị của Trung Quốc. Do đó, ngư dân giờ cũng chẳng bận tâm tới lệnh cấm này nữa. Cấm cứ cấm, biển mình thì mình cứ đánh bắt”, ông Hùng cho hay.

Với cá nhân anh Trần Hồng Thọ (trú xã Bình Châu) – vị thuyền trưởng có thâm niên 16 năm “chinh chiến” ở Hoàng Sa, anh không còn xa lạ với các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển.

Hơn 1 tháng trước, chính xác là vào lúc 3h ngày 2/4, sau 2 tiếng bị rượt đuổi, con tàu mang công suất 420 CV của Thọ bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngoài vùng biển Hoàng Sa. Anh và 7 thuyền viên trên tàu bị những kẻ lạ mặt trên tàu Trung Quốc giam giữ trái phép suốt hàng chục tiếng đồng hồ…

“Hàng chục năm đánh bắt xa bờ, chuyện tàu cá của mình bị Trung Quốc xua đuổi, cướp ngư cụ, cấm đánh bắt xảy ra như cơm bữa. Vì vậy, họ (Trung Quốc) cấm đánh bắt là việc của họ, còn mình cứ đánh ở vùng biển thuộc phạm vi của nước mình”, Thọ bộc bạch.

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động phi pháp trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. (Ảnh qua thanhnien)

Trước đó, vào ngày 1/5, Truyền thông nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã đã đưa tin về lệnh cấm đánh bắt cá thường niên của nước này bắt đầu từ trưa cùng ngày (1/5) đến ngày 16/8.

Phạm vi cấm đánh bắt sẽ trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trước lệnh cấm đánh bắt cá phi lý trên của phía Chính quyền Trung Quốc, ngày 4/5, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn kịch liệt phản đối lệnh cấm này và đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành động ngang ngược của chính quyền nước này. (T/H)