Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TT Trump: Dự luật quốc phòng 740 tỉ USD là ‘quà cho Trung Quốc, Nga và Big Tech’

Tổng thống Trump một lần nữa chỉ trích Dự luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) 740 tỷ USD, và gọi đây là ‘món quà’ cho Trung Quốc, Nga, và các công ty công nghệ lớn.

Hôm Thứ Bảy 26/12, ông Trump đã chia sẻ trên Twitter “Dự luật quốc phòng 740 tỉ USD của chúng ta là món quà cho Trung Quốc, Nga và Big Tech (các công ty công nghệ lớn). Dự luật này không thể chấm dứt mục 230 vốn nguy hiểm trên phạm vi quốc tế, [nó] không cho phép chúng ta đưa quân đội về nước, [Dự luật] đổi tên và phá hủy các pháo đài cùng các đài tưởng niệm quốc gia và khiến [lĩnh vực] 5G gần như bất khả thi”.

Trước đó, hôm 23/12, ông Trump cũng nêu rõ thái độ phản đối dự luật trong một thông điệp phủ quyết gửi đến Hạ viện. Trong thông điệp này, ông Trump phân tích những điều bất hợp lý của Dự luật để chứng minh cho quan điểm phủ quyết của mình.

Vì sao TT Trump phủ quyết Dự luật NDAA?

Mở đầu thông điệp, tổng thống cho biết ông đánh giá cao tầm quan trọng của Dự luật đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên Dự luật này “bao gồm các điều khoản không tôn trọng các cựu chiến binh và lịch sử quân đội Mỹ” và “không bao gồm các biện pháp an ninh quốc gia quan trọng”. Ngoài ra nó cũng đối nghịch với nỗ lực của chính quyền TT Trump trong việc đặt nước Mỹ lên hàng đầu trong các hoạt động chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.

“Đây là một ‘món quà’ cho Trung Quốc và Nga”, ông Trump viết.

Ông lưu ý trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông đã tăng mức chi tiêu về quân sự lên hơn 2 nghìn tỷ. “Trong suốt 4 năm của mình, với sự hỗ trợ của nhiều người khác, chúng tôi đã gần như xây dựng hoàn toàn lại quân đội Hoa Kỳ, vốn đã hoàn toàn kiệt quệ khi tôi nhậm chức”, tổng thống viết.

Ngoài ra, Dự luật NDAA năm 2021 không có điều khoản loại bỏ Mục 230 về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ, vốn cung cấp quyền miễn trừ truy tố cho những nền tảng như Facebook và Twitter về những gì đăng tải trên nền tảng của họ.

Ông Trump cũng phản đối yêu cầu đổi tên các căn cứ quân sự của Dự luật.

“Chính quyền tôi tôn trọng di sản của hàng triệu quân nhân và phụ nữ Mỹ đã vinh dự phục vụ tại các căn cứ quân sự này, và những người đã chiến đấu, đổ máu và hy sinh cho đất nước tại những địa điểm này. Từ những cơ sở này, chúng ta đã chiến thắng hai cuộc Thế chiến”. Ông Trump cho rằng hành động đổi tên này là “những nỗ lực mang động cơ chính trị” nhằm xóa sạch lịch sử và làm ô danh những tiến bộ to lớn của đất nước trong quá trình chiến đấu để hình thành những nguyên tắc lập quốc.

Ông Trump cũng chỉ trích Dự luật đã “hạn chế khả năng của Tổng thống trong việc bảo vệ an ninh của quốc gia bằng cách độc đoán giới hạn tiền quỹ xây dựng quân sự dùng để ứng phó với tình huống khẩn cấp quốc gia”.

“Trong thời điểm kẻ thù có đủ phương tiện để tấn công trực tiếp vào quê hương [chúng ta], Tổng thống phải có khả năng bảo vệ người dân Mỹ mà không cần đợi sự cho phép của Quốc hội. Dự luật cũng có bao gồm một điều khoản sửa đổi có thể làm chậm việc triển khai 5G trên toàn quốc, đặc biệt là ở các vùng nông thôn”, tổng thống cho biết.

Cuối cùng, tổng thống chỉ trích nhiều điều khoản trong Dự luật này mâu thuẫn trực tiếp với chính sách đối ngoại của chính quyền ông, đặc biệt là nỗ lực đưa quân đội Mỹ trở về. “Tôi phản đối những cuộc chiến tranh bất tận, công chúng Mỹ cũng vậy. Tuy nhiên, trước sự phản đối của lưỡng đảng, mục đích của Dự luật này là hạn chế khả năng của Tổng thống trong việc rút quân khỏi Afghanistan, Đức và Hàn Quốc”.

“Đây không chỉ là chính sách tồi tệ mà còn vi hiến. Điều II của Hiến pháp cho phép Tổng thống trở thành Tổng tư lệnh Lục quân và Hải quân Hoa Kỳ và nắm trong tay quyền hành pháp. Do đó, quyết định về việc triển khai bao nhiêu đội quân và ở đâu, bao gồm cả Afghanistan, Đức và Hàn Quốc, đều thuộc về ông [tổng thống]. Quốc hội không được trực tiếp coi thường thẩm quyền này hoặc gián tiếp bằng cách [đưa ra] những hạn chế chi tiêu có chủ đích”.

Dự luật NDAA được lưỡng viện Mỹ thông qua với tỉ lệ áp đảo hồi đầu tháng. Dự luật sẽ được trả lại phía cơ quan lập pháp để tiến hành bỏ phiếu nhằm quyết định có bác quyền phủ quyết của tổng thống không. (DKN)