Monday, November 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu điện giữa mùa đông lạnh giá vì cấm nhập khẩu than của Úc

Trung Quốc đang trải qua tình trạng thiếu điện ở trên khắp các vùng đất rộng lớn ở miền nam nước này, dẫn đến vấn đề nhà ở và nơi làm việc của người dân không được sưởi ấm.

Trung Quốc thiếu điện sưởi ấm
Hoạt động trên mặt đất xử lý đá từ mỏ than lộ thiên Ashton gần Camberwell, thung lũng Hunter, Úc hôm 30/8/2011. (Ảnh Torsten Blackwood/ AFP/ Getty Images).

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) xác nhận tình trạng thiếu điện vào sáng sớm ngày 18/12.

Trong khi người dân phàn nàn về việc không đủ ấm trong thời tiết lạnh giá, thì NDRC thông báo rằng họ đã bắt đầu cấm nhập khẩu than Úc vào ngày 12/12, theo các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin.

Hai nước đang tranh chấp thương mại sau khi Úc yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của sự bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc.

Than là nguồn cung cấp năng lượng chính cho các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc, và Úc là nước xuất khẩu than lớn thứ hai sang Trung Quốc.

Trung Quốc thiếu điện do thiếu than
Thợ mỏ Trung Quốc bốc dỡ than từ một đoàn tàu ở Hợp Phì, thuộc tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc hôm 4/8/2010. (Ảnh STR/AFP/ Getty Images).

Mùa đông lạnh giá

Kể từ ngày 8/12, các tỉnh Chiết Giang, Giang Tây và Hồ Nam đã chính thức thông báo yêu cầu người dân hạn chế tiêu thụ điện. Tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc cũng thông báo hôm 24/11 rằng sản lượng điện của họ không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng chính quyền chưa đưa ra các hạn chế tại thời điểm đó.

Vài ngày qua, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin rằng do thiếu điện, chính quyền các thành phố Nghĩa Ô, Kim Hoa, Ninh Ba và Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang đã thông báo với các nhà máy rằng họ không thể hoạt động với công suất bình thường cho đến ít nhất là cuối năm nay. 

Chính quyền thành phố Ôn Châu cho biết các công ty “tiêu thụ nhiều năng lượng, giá trị sản lượng thấp” phải ngừng sản xuất trong khoảng thời gian từ ngày 15/12 đến ngày 19/12, từ ngày 22/12 đến ngày 25/12 và từ ngày 28/12 đến ngày 31/12, để tiết kiệm năng lượng.

Theo báo chí đưa tin, nhiều nhà máy tư nhân sản xuất các mặt hàng xuất khẩu phục vụ Giáng sinh và Năm mới đã phải đóng cửa do các quy định mới.

Tại thành phố Kim Hoa, các doanh nghiệp được coi là chủ chốt chỉ có thể hoạt động cách ngày; doanh nghiệp “do chính quyền cấp tỉnh xúc tiến” chỉ có thể hoạt động hai ngày một lần; và doanh nghiệp “được nhà nước hỗ trợ” chỉ có thể hoạt động bốn ngày một lần. Tất cả các nhà máy khác đều phải đóng cửa cho đến cuối năm.

Tại tỉnh Chiết Giang, ngay cả các tòa nhà chính quyền thành phố cũng chỉ có thể bật máy sưởi nếu nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 3°C (37.4°F), và không thể đặt nhiệt độ cao hơn 16°C (60.8°F), như các phương tiện truyền thông đưa tin.

Các thành phố cũng yêu cầu phải tắt đèn đường và bất kỳ đồ trang trí nào có sử dụng đèn chiếu sáng, trong khi chủ nhà hàng phải tắt lò sưởi và đèn chiếu sáng ngay khi không còn khách bên trong.

Trung Quốc thiếu điện giữa mùa đông
Một phụ nữ Trung Quốc đứng đợi khách hàng trong một nhà hàng gần như trống không tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 26/3/2020. (Ảnh Kevin Frayer / Getty Images).

Nhiều người phàn nàn rằng bên trong văn phòng của họ quá lạnh để làm việc, trong khi số vụ tai nạn ô tô và trộm cắp xảy ra nhiều hơn do thiếu đèn đường, như các phương tiện truyền thông đưa tin.

Ông Zhang Xiaojun, Phó Tổng giám đốc chi nhánh tỉnh Hồ Nam của Tập đoàn điện lưới Trung Quốc – nhà cung cấp điện lực duy nhất ở Trung Quốc – cho biết trong một cuộc họp báo ở thành phố thủ phủ Trường Sa, rằng miền trung Trung Quốc sẽ thiếu điện trong cả mùa đông này.

Ông Zhang giải thích rằng các nhà máy nhiệt điện đang thiếu than; các nhà máy thủy điện đang đối mặt với mực nước thấp; các nhà máy điện gió không thể hoạt động hết công suất do băng đóng trên cối xay gió; và các nhà máy điện mặt trời không thể tạo ra đủ điện năng ổn định.

Do đó, tất cả các tòa nhà ở Hồ Nam phải đặt máy sưởi ở 20°C (68°F) hoặc thấp hơn, và thang máy phải ngừng hoạt động. Đèn đường cũng bị cắt.

Dân chúng địa phương phải leo cầu thang để đến văn phòng, trong khi trẻ em và người già chết cóng vì lạnh – vì nhiều gia đình sử dụng máy sưởi bằng điện, theo tờ báo nhà nước China News Weekly.

Tuần này, cư dân mạng Phúc Kiến và Thượng Hải phàn nàn rằng chính quyền địa phương của họ cũng bắt đầu hạn chế cung cấp điện, mặc dù chưa có thông báo chính thức nào.

Trung Quốc thiếu điện trầm trọng
Công nhân làm việc tại công trường xây dựng của một tòa nhà chung cư chọc trời ở Thượng Hải hôm 29/11/2016. (Ảnh Johannes Eisele/AFP/ Getty Images).

Tranh chấp thương mại Trung-Úc

Tờ báo nhà nước Securities Times đưa tin hôm 17/12 rằng hầu hết các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc được thiết kế để sử dụng than của Úc vì chúng có hiệu suất cao và phát thải thấp. Trung Quốc có thể sản xuất than với chất lượng tương đương, nhưng nguồn cung không thể được vận chuyển nhanh chóng do hạn chế trong sản xuất và vận chuyển.

Hôm 15/12, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc xác nhận chính thức lệnh cấm xuất cảng.

“Nếu đúng như vậy, thì điều đó rõ ràng là vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, rõ ràng là vi phạm hiệp định thương mại tự do của chúng tôi, và vì vậy chúng tôi hy vọng chắc chắn không phải như vậy,” ông Morrison nói với các phóng viên hôm 15/12.

Tranh chấp thương mại nổ ra vào tháng 4 khi ông Morrison kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch virus Trung Cộng.

Ngay sau đó Trung Quốc đã tẩy chay rượu và thịt bò Úc. Kể từ tháng 6, các nhà chức trách nước này đã khuyến cáo người dân không đến Úc với tư cách là khách du lịch, cũng như không đến Úc để học tập.

Sau khi Bắc Kinh thực hiện luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, Canberra đã rút lại hiệp ước dẫn độ với vùng lãnh thổ này.

Các nhà chức trách Trung Quốc sau đó trì hoãn việc thông quan đối với các mặt hàng xuất khẩu của Úc bao gồm tôm hùm, đường, lúa mạch, gỗ tròn và đồng vào tháng 11. Than đá là mặt hàng mới nhất được bổ sung vào danh sách này.

Trung Quốc thiếu điện giữa mùa đông vì cấm nhập khẩu than
Các container hàng hóa được chất lên tàu container tại một cảng ở Thanh Đảo, một thành phố ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, hôm 8/4/2018. (Ảnh AFP/ Getty Images).

Hôm 26/11, tờ Dailymail Australia đưa tin rằng xuất cảng than của Úc sang Trung Quốc trong ba tuần đầu tiên của tháng 11 đã giảm 96% so với cùng kỳ năm 2019. Báo cáo cho biết thêm rằng có 82 tàu chở hàng đang chờ tại các cảng của Trung Quốc vào thời điểm đó, gấp bốn lần con số hai tuần trước. 82 tàu này chở 8.8 triệu tấn than, trị giá 1.1 tỷ đô la Úc (khoảng 840 triệu đô la Mỹ). (ETV)