Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Huyền thoại bóng đá Maradona qua đời: Nguyên nhân và cách ứng phó khi gặp trường hợp tương tự

Huyền thoại bóng đá Argentina đã qua đời vào đúng ngày trước Lễ Tạ ơn, nguyên nhân là tại sao? Và có cách nào để chúng ta, hay những người tập thể thao lâu năm có thể tránh được hay không?…

Vào ngày 25/11, Diego Maradona đã đột ngột qua đời vì một cơn đau tim. Đột tử do bệnh tim có hai loại thường gặp, tuy nhiên rất dễ bị nhầm lẫn và chúng cũng có những phương pháp cấp cứu khác nhau…

Đột quỵ ngày càng dễ xảy ra hơn trong thời hiện đại… (ShutterStock)

Nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là do mạch vành tim bị tắc nghẽn, làm giảm lượng máu cung cấp cho cơ tim và các cơ này sẽ chết dần vì không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Càng để lâu, chức năng tim sẽ bị tổn thương càng nặng.

Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể xuất hiện đột ngột, nhưng trong hầu hết các trường hợp thì sẽ có dấu hiệu trước đó vài giờ, vài ngày, hoặc thậm chí vài tuần. Chúng gồm:

  • Đau và tức ngực
  • Đau do bức xạ, bao gồm đau ở vai trái, cánh tay trái, cằm, sau gáy và lưng
  • Khó thở hoặc thở khò khè
  • Tim đập mạnh, nhịp tim không đều
  • Buồn nôn và nôn
  • Đổ mồ hôi lạnh

Ngừng tim

Những cơn ngừng tim thường đến rất đột ngột. Đó không phải là sự tắc nghẽn của hệ thống tim mạch mà là do chức năng dẫn truyền điện của tim bị trục trặc khiến tim đập không bình thường. Lúc này, tim không thể bơm đủ máu lên não, phổi và các cơ quan quan trọng khác. Chỉ vài phút sau đó, bệnh nhân có thể bất tỉnh hoặc thậm chí tử vong – nếu không được sơ cứu kịp thời.

Nhồi máu cơ tim làm tăng nguy cơ ngừng tim vì sau đó những vết sẹo để lại sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thống dẫn điện của tim. Nói chung, không có những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng trước khi xảy ra hiện tượng này. Tuy nhiên, một số người có thể gặp các triệu chứng như đau ngực, tim đập nhanh, chóng mặt, khó thở, đầu và chân nhẹ, buồn nôn và nôn.

3 kỹ thuật cứu người nên biết

Nhồi máu cơ tim và ngừng tim đều có thể được cứu sống nếu sơ cứu kịp thời.

1. Dùng aspirin hoặc nitroglycerin
Tự chú ý đến các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim là yếu tố quan trọng đầu tiên. Khi xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, nếu bạn không chắc đó có phải là nhồi máu cơ tim hay không, hãy gọi cấp cứu ngay. Đồng thời, nếu bạn biết là mình bị đau tim, hãy nhai một viên aspirin. Aspirin có thể thông tắc các mạch máu bị tắc, nhưng thuốc này không dành cho những người người bị dị ứng với aspirin hoặc bị bác sĩ cấm dùng.

Nếu bác sĩ đã kê đơn thuốc chống đau thắt ngực nitroglycerin cho bạn, hãy ngậm một viên dưới lưỡi và làm theo những gì bác sĩ đã hướng dẫn. Viên nang đầu tiên thường sẽ có tác dụng trong vòng 1 đến 2 phút, nếu các triệu chứng không thuyên giảm, hãy uống viên khác sau mỗi 3 đến 5 phút. Nếu tình hình không cải thiện với viên thuốc thứ hai hoặc thứ ba, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.

2. Hồi sinh tim phổi (CPR)
Ngừng tim đột ngột khiến nạn nhân hôn mê bất ngờ, nhưng nếu được cấp cứu kịp thời thì có thể cứu được. Đầu tiên, hãy gọi xe cấp cứu, sau đó thực hiện hô hấp nhân tạo ngay lập tức nếu thấy nạn nhân không thở. Tương tự, nhồi máu cơ tim nặng cũng có thể gây hôn mê và lúc này sẽ cần tới các phương pháp sơ cứu cấp cứu CPR.

Kỹ thuật hồi sinh tim phổi, hay CPR, là thuộc những kỹ năng sơ cứu cấp cứu cần biết… (ShutterStock)

CPR, hay hồi sinh tim phổi, có thể giúp tim đập và cung cấp máu chứa oxy đến các cơ quan quan trọng của cơ thể. Phương pháp là:

  1. Quỳ bên người bệnh, giữ đầu gối càng gần cơ thể người bệnh càng tốt, đầu gối mở rộng bằng vai.
  2. Đặt gốc của một lòng bàn tay trên nửa dưới của xương ức (trung tâm của đường giữa hai bầu ngực), và lòng bàn tay còn lại chồng lên mu bàn tay đầu tiên, hai bàn tay chồng lên nhau. Duỗi thẳng khuỷu tay và nghiêng vai về phía trước.
  3. Dùng trọng lượng của phần trên cơ thể đè xuống theo chiều dọc và tập trung vào gốc lòng bàn tay. Độ sâu khi nhấn xuống là 5-6 cm và tốc độ là 100-120 lần/phút (khoảng 2 lần/giây). Trong khoảng thời gian giữa mỗi lần ép, gốc lòng bàn tay không được rời khỏi lồng ngực mà phải thả lỏng để lồng ngực đàn hồi trở lại vị trí ban đầu. Thời gian nhấn và thả là như nhau và hãy cẩn thận để quá trình này không bị gián đoạn.

3. Sử dụng máy sốc tim bên ngoài tự động (AED)
Khi một bệnh nhân bất tỉnh do ngừng tim hoặc nhồi máu cơ tim, nếu có 2 người làm sơ cứu thì một người làm hô hấp nhân tạo ngay lập tức, người còn lại gọi cấp cứu và sử dụng AED.

Sốc điện mini là những thiết bị ngày nay để giúp cứu người trong lúc nguy cấp… (ShutterStock)

Phương thức hoạt động của AED:

  1. Bật công tắc nguồn và làm theo hướng dẫn bằng giọng nói của máy AED. Lúc này, người cứu hộ đầu tiên vẫn tiếp tục hô hấp nhân tạo mà không bị gián đoạn.
  2. Cởi quần áo của bệnh nhân, dán 2 miếng dán điện giật ở bên ngoài núm vú bên trái và bên trên núm vú bên phải của bệnh nhân theo sơ đồ trên máy, sau đó cắm đầu dây vào ổ điện.
  3. AED sẽ tự động phân tích nhịp tim và đưa ra hướng dẫn bằng giọng nói. Ngừng hô hấp nhân tạo và không chạm vào cơ thể bệnh nhân lúc này. Hãy để AED xác định xem liệu có cần phải thực hiện một cú sốc để kích rung tim hay không. Nếu AED khuyến nghị sốc điện, hãy nhấn nút sốc sau khi xác nhận rằng không có ai chạm vào cơ thể bệnh nhân. Nếu AED không khuyến nghị sốc điện, hãy tiếp tục hô hấp nhân tạo cho đến khi nhân viên y tế đến. (NTD)