90% Kế hoạch triển khai vắc-xin của ông Biden giống ông Trump
Cựu cố vấn trưởng Chiến dịch Thần tốc của chính phủ Mỹ tiết lộ kế hoạch triển khai vắc-xin ngừa COVID-19 của Tổng thống Joe Biden giống tới 90% kế hoạch của cựu Tổng thống Donald Trump.
Cựu cố vấn trưởng Chiến dịch Thần tốc (Warp Speed) của chính phủ Mỹ –Tiến sĩ Moncef Slaoui –cho biết 90% kế hoạch triển khai vắc-xin ngừa COVID-19 của chính quyền Tổng thống Joe Biden giống hệt những gì chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã đề xuất.
“Tôi thực sự nghĩ rằng chúng tôi đã có kế hoạch. Trên thực tế, 90% những gì đang xảy ra bây giờ là kế hoạch mà chúng tôi đã có trước đó” –ông Slaoui nói trong cuộc phỏng vấn hôm 21/3 trên đài CBS.
Bình luận của ông Slaoui được đưa ra sau khi có tuyên bố khẳng định rằng Tổng thống Biden sẽ “không kế thừa” bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến chiến dịch tiêm chủng hàng loạt của chính quyền trước đó.
Ngay sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1, đài CNN đưa tin chính quyền của ông sẽ ‘“bắt đầu lại từ đầu”, điều này đã gặp phải sự chỉ trích từ chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ –Tiến sĩ Anthony Fauci –và các chuyên gia khác trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh đó, ông Slaoui cũng giải thích rằng ưu tiên hàng đầu của Chiến dịch Warp Speed là “đẩy nhanh quá trình phát triển vắc-xin”.
“Chúng tôi đã ký hợp đồng, cụ thể là 100 triệu liều vắc-xin, và cũng đã chuẩn bị sẵn sàng mua thêm vắc-xin một khi biết chúng có hiệu quả. Tuy nhiên, về cơ bản thứ quan trọng nhất vẫn là có kế hoạch” –ông Slaoui nói.
Ông nhấn mạnh 90% kế hoạch đó bao gồm “sản xuất, cung cấp và phân phối” vắc-xin, tiết lộ thêm rằng trước khi chính quyền mới nhậm chức, Chiến dịch Warp Speed đã đàm phán với tập đoàn dược phẩm Merck, một đối thủ của Johnson & Johnson, về khả năng sử dụng thiết bị của họ để giúp thúc đẩy sản xuất vắc-xin.
Cựu cố vấn trưởng Chiến dịch Warp Speed cũng tiết lộ ông rất hối tiếc về một số sai lầm trong những ngày đầu phân phối vắc-xin, khẳng định rằng chính quyền Mỹ cần phải dành nhiều nỗ lực hơn để giáo dục công chúng, cả về tốc độ triển khai lẫn sự an toàn của vắc-xin.
Về những tranh cãi xoay quanh vấn đề người đã được tiêm phòng có cần phải đeo khẩu trang nữa hay không, ông Slaoui nhấn mạnh việc đeo khẩu trang là “một hành động lịch sự”.
“Tôi nghĩ rằng chừng nào mức độ miễn dịch cộng đồng chưa được hình thành, người đã được tiêm phòng nên tiếp tục đeo khẩu trang. Những gì chúng tôi chưa biết là liệu vắc-xin có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh hay không” –ông Slaoui nhận xét.
Trước đó, hôm 19/3, điều phối viên của nhóm xử lý đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient tiết lộ nước Mỹ đã đạt được mục tiêu phân phối 100 triệu liều vắc-xin chỉ trong 58 ngày, thay vì mốc thời gian dự kiến trước đó của chính quyền ông Biden là 100 ngày. (PLO)