Monday, November 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

75%: Tỷ lệ tử vong do virus Nipah cao gấp 20 lần so với COVID-19


Tỷ lệ tử vong ở người nhiễm virus Nipah cao hơn nhiều so với mắc COVID-19.

Người dân Ấn Độ đặt biển "Khu vực phong tỏa virus Nipah" tại quận Kozhikode, Kerala ngày 13/9 (Ảnh: Reuters)
Người dân Ấn Độ đặt biển “Khu vực phong tỏa virus Nipah” tại quận Kozhikode, Kerala ngày 13/9. Hình Reuters

Theo tuyên bố mới đây của Tổng Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ (ICMR) Rajeev Bahl, trong khi tỷ lệ tử vong do COVID-19 từ 2 đến 3% thì Nipah có tỷ lệ tử vong từ 40% đến 75%.

Tuyên bố của người đứng đầu ICMR được đưa ra sau khi Ấn Độ chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm virus Nipah tại tiểu bang Kerala, buộc chính quyền phải áp đặt các biện pháp hạn chế. ICMR khẳng định, cơ quan này đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn sự lây lan của loại virus chết người này ở tiểu bang miền Nam Ấn Độ.

Để ngăn chặn sự lây lan của virus, ICMR đã quyết định sẽ mua thêm 20 liều kháng thể từ Úc. Theo ông Rajeev Bahl, mặc dù trên toàn cầu, kháng thể này đã được tiêm thành công cho 14 bệnh nhân, nhưng cho đến nay chưa có ca bệnh nào ở Ấn Độ được sử dụng loại thuốc này.

Đội ngũ y tế từ ĐH Y tế Kozhikode (Ấn Độ) thu thập mẫu bệnh phẩm của virus Nipah ở làng Maruthonkara, quận Kozhikode, tiểu bang Kerala (Ấn Độ) ngày 13/9. Hình Reuters

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Nipah là một bệnh lây truyền từ dơi ăn quả sang người. Loại bệnh này cũng có thể lây truyền qua thực phẩm bị ô nhiễm hoặc trực tiếp giữa người với người.

Các triệu chứng của virus Nipah tương tự như COVID-19, bao gồm ho, đau cơ, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, hay rối loạn tâm thần và co giật.

Đợt dịch hiện nay tại tiểu bang Kerala là lần bùng phát dịch Nipah thứ tư ở tiểu bang này kể từ năm 2018. Từ ngày 30/8, tiểu bang Kerala đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong.

Khu cách ly đang được chuẩn bị cho những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Nipah ở quận Kozhikode, Ấn Độ, ngày 12/9/2023. Hình Reuters

Virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999 tại một trang trại giết mổ heo ở làng Sungai Nipah, phía nam thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) -virus sau đó được đặt theo tên của ngôi làng. Không lâu sau đó, virus bùng phát liên tục ở những khu vực khác của Malaysia và các trang trại heo ở nước láng giềng Singapore làm 265 người nhiễm bệnh, 105 người chết và khoảng 1 triệu con heo bị tiêu hủy. Điều bất ngờ là kết quả điều tra cho thấy vật chủ chính của virus trong đợt bùng phát dịch năm 1999 không phải là heo mà là dơi, heo nhiễm bệnh do thức ăn và nước uống của chúng bị ô nhiễm do dịch tiết ra từ loài dơi ăn quả ở một vườn trái cây gần trang trại heo. (T/H, VOV)