Monday, November 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

7 Chiến lược hỗ trợ hệ miễn dịch trong cuộc chiến ứng phó với COVID

Đối với những người đã bị nhiễm bệnh, hoặc đang phải đối mặt với các triệu chứng kéo dài, thì việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch của họ và chống lại virus là điều đặc biệt quan trọng. 

Chúng ta hiện vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với COVID-19, cho dù bạn đã từng bị nhiễm COVID-19 và muốn tạo điều kiện cho cơ thể phục hồi tốt nhất có thể, hoặc bạn mong muốn tránh kích hoạt tình trạng tự miễn hoặc muốn tăng cường hệ thống miễn dịch, bạn đều có thể thực hiện nhiều cách.

Dưới đây là một số chiến lược hỗ trợ hệ miễn dịch trong cuộc chiến ứng phó với COVID

hỗ trợ hệ miễn dịch ứng phó với covid
Để hỗ trợ cơ thể phục hồi sau mắc bệnh do virus, hãy bổ sung đầy đủ vitamin D và kiểm soát tốt căng thẳng. (Ảnh: Roman Samborskyi/Shutterstock)

1. Bổ sung vitamin D

Nghiên cứu chỉ ra rằng những người có hàm lượng vitamin D thấp có nhiều khả năng không kháng cự nổi trước các biến thể virus SAR-CoV-2. 

Vitamin D đã được chứng minh là có khả năng kích hoạt các đại thực bào, kích thích các peptide kháng khuẩn và điều chỉnh các tế bào TH17. Vitamin D cũng điều chỉnh các cytokine. 

Vì vậy, mức độ nghiêm trọng, thời gian bị bệnh và triệu chứng nặng trên bệnh nhân được bổ sung vitamin D thấp hơn. Hơn nữa, các triệu chứng của hội chứng hậu virus dường như giải quyết tương đối nhanh chóng bằng cách sử dụng tối ưu mức vitamin D. 

Một lưu ý là nếu uống quá nhiều vitamin D có thể gây ngộ độc. Do đó, cần biết nồng độ trong máu trước khi bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, ánh sáng mặt trời là nguồn vitamin D an toàn nhất.

2. Glutathione

Glutathione là chất chống oxy hóa chính của cơ thể có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi bị tổn thương do nhiễm trùng. Chúng ta cũng biết rằng glutathione đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể, cải thiện độ nhạy insulin, giảm viêm và hỗ trợ giải độc thích hợp cho cơ thể.

Nghiên cứu cho thấy rằng thiếu hụt glutathione có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19. Do đó, việc tối ưu hóa mức độ glutathione có thể là một phương pháp điều trị có lợi trong thời gian bị bệnh và trong suốt quá trình hồi phục. 

Chúng tôi đã thấy bệnh nhân nhận được lợi ích từ việc bổ sung glutathione khí dung khi đang đối mặt với COVID-19 vì nó tác động ảnh hưởng trực tiếp đến mô phổi của họ. Ngoài ra, cung cấp glutathione bằng liệu pháp truyền tĩnh mạch cũng bảo đảm glutathione được đưa trực tiếp vào máu.

3. Các yếu tố hỗ trợ miễn dịch

Hỗ trợ hệ thống miễn dịch là vô cùng quan trọng để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh liên quan đến COVID-19 và quá trình phục hồi cơ thể sau bệnh. 

Các chất dinh dưỡng và hợp chất hỗ trợ miễn dịch khác nhau bao gồm vitamin C, kẽm, vitamin A, curcumin, resveratrol, v.v.  thông qua liệu pháp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, bảo đảm những chất dinh dưỡng này đi thẳng vào máu và do đó được tế bào sử dụng. 

Một số chất dinh dưỡng nhất định có thể có lợi trong việc làm chậm quá trình nhân bản của virus, bao gồm L-lysine, melatonin và kẽm.

4. Kiểm soát căng thẳng

Sử dụng các kỹ năng đối phó với căng thẳng tinh thần và cảm xúc là cực kỳ quan trọng để bảo đảm rằng hệ thống miễn dịch có thể hoạt động bình thường. Các chiến lược hữu ích bao gồm cầu nguyện, thiền định, thiền chánh niệm, nuôi dưỡng lòng biết ơn, tập các phương pháp thở khác nhau và giao tiếp với những người thân yêu và bạn bè. 

5. Giảm tiếp xúc với độc tố môi trường

Chúng ta đều phải tiếp xúc với các độc tố từ không khí, nước, thực phẩm, sản phẩm tẩy rửa, sản phẩm chăm sóc cá nhân, hóa dầu, nhựa và những thứ khác. Những độc tố này có thể tích tụ trong cơ thể và góp phần tạo ra gánh nặng độc hại tổng thể làm suy giảm khả năng hoạt động tối ưu của cơ thể.

Trong đại dịch này, chúng ta đã sử dụng các hợp chất rất độc để khử trùng mọi thứ nhằm tiêu diệt virus, khiến hệ thống miễn dịch của chúng ta bị suy yếu và hệ vi sinh vật của chúng ta bị phá hủy; Vì thế lựa chọn các sản phẩm sát khuẩn an toàn, không độc hại cũng là một cách hỗ trợ hệ miễn dịch. 

6. Chế độ ăn Ketogenic và nhịn ăn gián đoạn

Trạng thái trao đổi chất của một cá nhân có thể cản trở hoặc thúc đẩy sự nhân bản của virus. Thật không may, những người ở trong trạng thái đốt đường liên tục là những người dễ bị nhiễm virus nhất. 

Đây là một lý do chúng ta thấy những người có bệnh lý nền phải chịu hậu quả nghiêm trọng hơn. Việc chuyển đổi quá trình trao đổi chất của vật chủ từ trạng thái đốt đường sang đốt cháy chất béo (chuyển hóa ketogenic) đã được chứng minh là có thể làm chậm quá trình sao chép của virus.

Virus không có nguồn năng lượng của riêng chúng. Khi chúng sống trong vật chủ, chúng phải dựa vào năng lượng và chức năng trao đổi chất của vật chủ. Khi vật chủ ở trạng thái đốt đường, các loại virus có khả năng tái tạo rất nhanh vì lượng đường dồi dào trong cơ thể là nguồn nhiên liệu quý báu cho chúng. Những gì xảy ra trong quá trình trao đổi chất đốt cháy đường này là về cơ bản virus corona sẽ tự bao bọc nó trong đường. Khi virus làm điều này, nó cũng tự ngụy trang bản thân khỏi hệ thống miễn dịch. Điều này cho phép virus nhân lên nhanh chóng và bám chặt hơn vào vật chủ đang trong tình trạng đốt đường, mắc các bệnh nền và rối loạn chức năng trao đổi chất.

Để tránh điều này, bạn nên giảm tiêu thụ đường, carbohydrate và hãy tập trung tiêu thụ chất béo và protein lành mạnh. 

Ngoài ra, kéo dài thời gian nhịn ăn của bạn qua đêm đến ít nhất 12-14 giờ và làm việc trong thời gian nhịn ăn gián đoạn dài hơn cũng sẽ giúp cơ thể chuyển từ đốt cháy đường sang đốt cháy chất béo, để virus không thể nhân bản một cách nhanh chóng hoặc hiệu quả.

7. Xem xét các nguyên nhân căn bản

Các khía cạnh khác cần xem xét là rối loạn chức năng trao đổi chất hoặc cách thức xử lý lượng đường trong máu bị thay đổi, mất cân bằng hormone, dị ứng và nhạy cảm với thực phẩm, bệnh tự miễn, tiếp xúc với độc tố môi trường, rối loạn đường ruột và các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc mãn tính khác. Việc xác định và nhổ tận gốc những yếu tố này có thể có tác động sâu sắc đến hệ thống miễn dịch và sức khỏe tổng thể. (ETV)