Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

4 thay đổi bất ngờ mà đại dịch virus corona mang tới cho môi trường

Các biện pháp giãn cách xã hội, tạm ngừng sản xuất, hạn chế di chuyển mà nhiều địa phương đã và đang áp dụng trong thời COVID-19 đã tạo ra những thay đổi đáng kinh ngạc trên cả đất liền, biển và không trung.

Các biện pháp cách ly đã ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của con người, đến nền kinh tế, đến cách chúng ta vận hành xã hội, đến đời sống tinh thần, đến cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Nhưng chưa hết, dẫu âm thầm lặng lẽ hơn, con virus corona nhỏ bé còn đủ sức thay đổi cả tự nhiên, và nhịp sống chậm rãi mà nó mang đến cho con người đã tạo ra một cơ hội hiếm có cho các nhà khoa học để nghiên cứu một thế giới mà họ chưa từng biết. Và họ đang tức tốc thu thập nhiều thông tin nhất có thể. Dưới đây là những thay đổi của tự nhiên mà họ đã phát hiện ra.

Mặt đất bớt rung động hơn.

Các nhà địa chất học trên khắp thế giới đã phát hiện ra một xu hướng mới, bắt đầu với Thomas Lecocq tại Trạm quan sát Hoàng gia tại Brussels, Bỉ. Các trạm quan sát địa chấn thường được xây dựng ở xa khu đô thị để tránh những rung động có thể cản trở việc lắng nghe các rung chấn trong lòng đất. Tuy vậy, Trạm Hoàng gia ở Bỉ đã được xây dựng từ hơn một thế kỷ trước, trước cả khi thành phố mọc lên xung quanh nó.

Chính nhờ vị trí đặc biệt của mình nên trạm có thể cung cấp cho chúng ta những rung động lên xuống thú vị của một thành phố đang nhộn nhịp. Lecocq phát hiện ra khi tuyết rơi, các hoạt động địa chất do tác động của con người giảm xuống, còn trong ngày có đua xe thì rung động tăng vọt.

Ông đã kiểm tra dữ liệu địa chấn ngày trước khi nước Bỉ bắt đầu phong toả toàn quốc, và buổi sáng sau đó. Các hoạt động rung chấn, đã “giảm ngay lập tức“. Trong thời gian hạn chế đi lại, ban ngày ở Bỉ cũng giống như ngày Giáng Sinh.

Lecocq đã chia sẻ phương pháp nghiên cứu của mình lên mạng, và các nhà địa chất học ở Mỹ, Pháp, New Zealand cùng nhiều nơi khác cũng chứng kiến những tác động tương tự của các biện pháp giãn cách xã hội.

Với những nhà địa chất học chuyên nghiên cứu các tín hiệu địa chất từ lòng đất chứ không phải từ các nguồn khác như con người, động vật hay bão tố – thì việc cách ly đã giúp họ dễ lắng nghe hơn nhiều. “Thường thì chúng tôi sẽ không bắt được rung động từ một trận động đất mạnh 5,5 độ Richter từ bên kia trái đất, vì nó quá ồn, nhưng khi có ít nhiễu hơn, các thiết bị của chúng tôi đã có thể bắt được tín hiệu rõ ràng hơn,” Koelmeijer một nhà địa chất học ở London cho biết.

Ít ô nhiễm không khí hơn.

Khi các thành phố hay thậm chí cả một quốc gia áp dụng các biện pháp phong toả, các vệ tinh đã phát hiện thấy các chất ô nhiễm không khí phổ biến như nitơ đioxit, vốn thoát ra từ xe cộ và các nhà máy nhiệt điện, đã suy giảm mạnh.

Sự suy giảm tại Trung Quốc và châu Âu diễn ra đồng thời với các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên mặt đất. Ô nhiễm không khí có thể làm tổn hại nghiêm trọng sức khoẻ con người, và Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán các triệu chứng xuất hiện vì phơi nhiễm với ô nhiễm không khí – gồm có đột quỵ, bệnh tim và bệnh đường hô hẫp – sẽ giết chết khoảng 4,2 triệu người một năm.

Không khí sạch hơn có thể giúp một số khu vực trên thế giới bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng được nghỉ ngơi một chút, bất chấp việc họ đang phải chiến đấu với corona.

(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Môi trường âm thanh trong thành phố đang thay đổi.

Khi nhiều người dân ở nhà và các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động, thì tiếng ồn từ xe hơi, xe buýt, tàu và các phương tiện giao thông khác giảm đi rất nhiều. Erica Walker, một nhà nghiên cứu về sức khoẻ cộng đồng tại Đại học Boston, đã mang theo dụng cụ đo âm lượng ra ngoài đi dạo trong thời giãn cách xã hội, và cô đã hết sức kinh ngạc, vì “Mọi thứ yên tĩnh hơn nhiều.”

Trước đại dịch, môi trường âm thanh tại Quảng trường Kenmore, một giao lộ đông đúc gần khuôn viên trường Boston là vào khoảng 90 dcibel trong giờ cao điểm. Sau khi lệnh cấm ra ngoài được áp dụng, Walker chỉ còn đo được 68 decibel trong giờ cao điểm. Để hình dung, một con tàu điện ngầm đi ngang qua có thể tạo ra mức âm thanh 95 decibel – mức có thể làm hỏng thính giác của bạn nếu nghe liên tục, và mức âm thanh của các cuộc nói chuyện thông thường là từ 60 đến 70 decibel.

Chưa hết, sự tĩnh lặng mà các lệnh cách ly mang lại còn giúp người ta nghe được âm thanh mà họ tưởng chừng như không tồn tại.

Còn Sylvia Poggioli, một phóng viên của tờ NPR ở Ý, nói rằng khi đường phố thủ đô Rome trống trơn, “bạn có thể thực sự nghe thấy tiếng cọt kẹt của những chiếc bản lề rỉ sét, còn tiếng chim líu lo báo hiệu mùa xuân thì vang lên rất lớn.”

Những tháng này là thời gian dành cho mùa xuân ở bán cầu Bắc, chắc chắn là xuất hiện nhiều chim chóc hơn những tháng khác trong năm. Nhưng nhờ ô nhiễm tiếng ồn giảm xuống – hay biến mất hoàn toàn ở một số nơi, đã giúp chúng ta dễ dàng để ý thấy những tiếng chim hót.

Không gian sống tĩnh lặng hơn có thể là một điều tốt cho chúng ta. Mọi người đều biết rằng ô nhiễm tiếng ồn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, gây ra những bệnh tật có liên quan đến căng thẳng, huyết áp cao, mất ngủ và các vấn đề khác.

Với một số người, môi trường âm thanh mới khiến họ nhớ đến sự tĩnh lặng thanh bình của tuổi thơ nhiều thập kỷ trước đây, khi thành phố chưa phát triển như bây giờ. Với những người khác, nó lại là một nguồn gây căng thẳng mới – sự tĩnh lặng chết chóc, như trước khi cơn bão ập đến.

Đại dương có lẽ cũng yên lặng hơn.

Với các loài động vật, giảm ô nhiễm tiếng ồn đương nhiên là được hoan ngênh. Michelle Fournet, một nhà hải dương học tại ĐH Cornell, đang hy vọng sẽ đặt được các micro thu âm xuống dưới vùng nước ngoài bờ biển Alaska và Florida, nơi cô đang nghiên cứu cá voi lưng gù và các loài động vật biển khác, để xem xem các vùng biển thay đổi thế nào khi không có tiếng ồn của tàu du lịch.

“Chỉ cần lôi mấy con tàu du lịch ra khỏi đại dương là sẽ giảm được lượng tiếng ồn trên đại dương toàn cầu gần như ngay lập tức. Chúng ta đang được trải nghiệm sự tạm dừng tiếng ồn đại dương chưa từng có tiền lệ, điều chưa từng xảy ra trong hàng thập kỷ.”

Các nghiên cứu đã cho thấy tiếng ồn phát ra từ các con tàu và các hoạt động hải dương khác đã làm gia tăng hóc-môn căng thẳng trong các động vật biển và ảnh hưởng tới tỷ lệ sinh sản thành công của chúng. Các con cá voi đã chứng minh rằng chúng có thể thích nghi với sự ầm ĩ này, chúng ngừng hát khi các con tàu chở hàng đi ngang qua, và cất tiếng trở lại khi tàu đã rời xa.

Trải nghiệm bất ngờ này khiến Fournet nhớ lại những kinh nghiệm cô tình cờ có được sau ngày 9/11 năm 2001, khi đó giao thông đường biển tại Bắc Mỹ đã dừng lại hoàn toàn. Các nhà khoa học lúc đó đã phát hiện ra, chỉ trong vài ngày, khi mặt nước im lặng, lượng hóc-môn căng thẳng đo được trong các con cá voi tại Vịnh Fundy ở Canada đã lập tức giảm xuống.

“Đây sẽ là khoảng thời gian tĩnh lặng nhất mà cá voi lưng gù có được ở Đông Nam Alaska nhiều thập kỷ qua. Thiên nhiên đang thở khi chúng ta nín thở!”. (T/T)