30 tháng Tư, nói về những người lính bị bỏ rơi
Hôm nay tôi vừa ký cái check nho nhỏ để ủng hộ chương trình “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi” do Đài Truyền Hình SBTN thực hiện. Vài tuần trước, khi nghe nói SBTN đang dựng chương trình, tôi tò mò ghé qua. Đúng lúc đó thì nhóm sản xuất đang cố đưa một chiếc trực thăng thời chiến tranh Việt Nam vào studio để dựng cảnh. Tuy nhiên, vì chiếc trực thăng lớn quá nên người ta phải cắt luôn cánh cửa để đưa vào. Tôi ngạc nhiên trong thích thú: SBTN chịu chơi thiệt!
Nói vậy để thấy đây là một chương trình được dàn dựng rất công phu, được quay hình trong 10 ngày liền. Ngoài phần âm nhạc, chương trình còn có những tài liệu, phim ảnh lịch sử và quân sử giá trị. Đặc biệt, tất cả đều có phụ đề Anh ngữ để thế hệ trẻ hải ngoại có thể hiểu và học được một phần lịch sử về cha anh mình.
Từng làm việc trong ngành truyền thông và sản xuất chương trình TV trong nhiều năm, tôi biết để thực hiện bất cứ tác phẩm văn hóa, nghệ thuật hay lịch sử gì cho cộng đồng, việc kiếm lợi nhuận là chuyện rất xa vời. Thị trường băng đĩa gần như biến mất cùng với trào lưu xem free trên mạng đã đẩy các công ty truyền thông cũng như những chương trình âm nhạc và văn hóa tại hải ngoại đi đến kiệt quệ về tài chánh. Nếu may mắn thì có thể tìm được công ty bảo trợ lớn, mà thường các công ty này đều ở Việt Nam. Với một chương trình tôn vinh lịch sử VNCH như thế này thì hẳn nhiên rất khó tìm nguồn tài trợ.
Đó là lý do tôi muốn đóng góp một phần rất nhỏ trong khả năng cho bộ DVD “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi”. Là con một người lính VNCH, tôi cho rằng đây là trách nhiệm để góp phần vào việc giữ gìn bất cứ những gì nói lên sự thật lịch sử về những người lính VNCH. Tôi không phải là người thiên về quá khứ nhưng việc ôm ấp quá khứ với thái độ tôn trọng sự thật lịch sử là hai việc khác nhau.
Lịch sử đó là gì?
Đã 45 năm từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, hình ảnh người lính VNCH ngày càng trở thành cái bóng mờ trong lịch sử của cuộc chiến chống lại sự bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Thế giới tự do đã chiến thắng với sự sụp đổ của cái nôi cộng sản tại Liên Xô cũng như tại các đồng minh Đông Âu và Trung Á. Trong khi đó, những hy sinh của người lính VNCH tại miền Nam, một thời là tiền đồn Đông Nam Á chống lại sự lan rộng của làn sóng Đỏ, lại dường như đang trôi vào lãng quên, nếu không nói chỉ còn đọng lại trong ký ức của thế hệ cha anh.
Tại Việt Nam sau 1975, người lính VNCH phải gánh chịu sự trả thù hèn hạ từ những kẻ thắng cuộc. Họ bị cầm tù, bị tước đoạt quyền làm người, bị sỉ nhục và bị ngược đãi nhân phẩm. Con cái của “thành phần” gọi là “ngụy quân” cũng không thể trở thành công dân bình thường. Chính cá nhân tôi đã gánh chịu tình trạng phân biệt đối xử như vậy vì ba tôi từng là lính “ngụy” và bị bắt đi “học tập cải tạo” ròng rã 7 năm trời.
Những gì tiêu biểu cho hình ảnh người lính miền Nam đều bị xóa bỏ đến cùng. Những tượng đài bị giật sập, các nghĩa trang bị cào nát. Bức tượng Thương Tiếc trước Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa hoặc Nghĩa Trang Quân Đội Hạnh Thông Tây Gò Vấp đã bị giật sập và san bằng không còn dấu tích. Thậm chí sách vở và âm nhạc với hình ảnh người lính VNCH trong đó cũng trở thành “văn hóa phẩm độc hại”. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, cuộc chiến Việt Nam đã được soi chiếu lại với nhiều góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, những tài liệu này do người Mỹ thực hiện nên họ chỉ quan tâm đến những gì liên quan đến nước Mỹ hơn là đối với đồng minh cũ của họ ở Nam Việt Nam. Họ quan tâm đến các chính sách của các đời tổng thống Mỹ liên quan cuộc chiến Việt Nam, hơn là số phận của những người Việt Nam từng cầm súng bảo vệ tiền đồn chống cộng sản. Họ thuật lại những phát biểu của giới chức chính trị và quân sự Mỹ về cuộc chiến Việt Nam, hơn là cho thấy cảm nghĩ lẫn ý chí của những người lính từng là hình ảnh đại diện cho giá trị của tự do.
Xét ở góc độ nào đó, có thể nói đây là sự bất công, khi lịch sử chỉ được nhìn ở một hoặc vài góc mà không phải toàn cảnh. Những người lính VNCH xứng đáng được nhớ đến và sự hy sinh của họ đáng được ghi nhận. Họ đã đổ máu chiến đấu suốt 20 năm với thế giới tự do để giúp đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản. Hàng trăm ngàn người lính đã vĩnh viễn ra đi để có được một miền Nam ấm no, thịnh vượng, và một sự tự do vô giá, mà từ đó, miền Nam có những tác phẩm văn chương lộng lẫy, có những thi phẩm rạng ngời, có những nhạc phẩm sống mãi với thời gian. Cho đến tận hôm nay, sau 45 năm, nền nghệ thuật VNCH vẫn còn tồn tại, không chỉ ở hải ngoại mà cả trong nước. Cộng sản đã chiến thắng một cuộc chiến bằng súng nhưng cộng sản đã đại bại một cuộc “giao tranh” bằng giá trị tinh thần.
45 năm qua, dù ở nơi nào, nhiều người Việt khi bỏ nước ra đi vẫn mang theo tình yêu quê hương cùng với hình ảnh hào hùng của người lính VNCH. Nhiều bia tưởng niệm, tượng đài được dựng lên tôn vinh người lính miền Nam đã hiện diện nhiều nơi khắp thế giới. Thế hệ trẻ gốc Việt cũng cho ra đời những tài liệu nghiên cứu, tiếng Việt lẫn Anh, để không chỉ bày tỏ lòng biết ơn với thế hệ cha anh mà còn nhằm mang lại sự thật lịch sử về người lính VNCH mà chế độ cộng sản Việt Nam chưa bao giờ ngừng bôi nhọ, không chỉ với tư cách là kẻ thắng cuộc mà còn với mặc cảm là kẻ bại trận trước sự trường tồn của giá trị văn hóa miền Nam mà người lính VNCH từng góp phần bảo vệ.
Riêng với tôi, cũng nhờ tìm hiểu về người lính VNCH, giờ đây tôi đồng cảm với ba mình hơn. Một người đàn ông tóc điểm sương lúc nào cũng ngồi trước máy tính hay cuốn tập giấy, ghi ghi chép chép điều gì đó mà ông chẳng bao giờ cho tôi đọc. Ông sống nội tâm và ít nói chuyện với tôi. Khi ngồi viết những dòng tâm sự này, tôi có dịp gợi lại cho ông những ký ức cũ, trong đó có câu chuyện khiến tôi không thể cầm nước mắt. Ông kể, chiều 30/4/1975, Tư lệnh Nguyễn Khoa Nam đến thăm bệnh viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ, để thăm lần cuối những người lính bị thương. Một thương binh xúc động đã níu tay ông lại. Khi ra về, ông đã bật khóc và hứa: “Qua không bỏ các em đâu! Qua ở lại với các em”. Và để “ở lại với các em”, vị Tư lệnh đã tuẫn tiết vào ngày hôm sau… Khi nghe câu chuyện này, tôi muốn ba tôi mãi ở lại với tôi. Tôi muốn người lính VNCH mãi ở lại trên những trang sử vinh danh họ. Tôi muốn hình ảnh người lính VNCH mãi mãi được tôn vinh…
Hồng Thuận (Facebook)
Cali 21 tháng 4, 2020