Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

30/4: Tháng Tư, nói chuyện tị nạn


Trần Doãn Nho

KENNEDALE, Texas – “Không có tị nạn hòa bình; chỉ có tị nạn chiến tranh. Không có ‘tị nạn tư bản’ hay ‘tị nạn dân chủ;’ chỉ có ‘tị nạn Cộng Sản.’ Một nước Cộng Sản là một nước xuất cảng người tị nạn.”

Tàu HQ-504 của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đón người tị nạn Cộng Sản tại cảng Vũng Tàu ngay khi Sài Gòn sụp đổ. (Hình minh họa: STAFF/AFP via Getty Images)

Lại Tháng Tư!

Tị nạn này nhắc đến tị nạn kia! Ukraine 2022 chọc sâu vào vết thương 1975 Việt Nam.

Tháng Ba, Tháng Tư, 2022, cả nước Ukraine chạy! Từng đoàn rồi từng đoàn rồi từng đoàn đàn bà, người già, trẻ con nối đuôi nhau ngơ ngác, bơ vơ, bất kể ngày đêm, bất kể hiểm nguy, bỏ lại đằng sau tất cả để đi vào một nơi xa lạ. Đi cái đã. Miễn là thoát. Trước mặt thì mênh mông, vô danh, vô định, nhưng vẫn có chút ánh sáng còn hơn là ở lại quê nhà, một quê nhà thân yêu đột nhiên trở thành hiểm địa. Với tình hình không lối thoát hiện nay, những tháng, những năm trước mặt, có lẽ người Ukraine sẽ vẫn tiếp tục ra đi! Họ trốn chiến tranh, mà thực ra cũng là trốn một đất nước có thể bị Putin chiếm đoạt để biến một Ukraine dân chủ thành một chư hầu độc tài.

Tháng Ba, Tháng Tư, 1975, cả miền Nam ùn ùn “chạy.” Đi bộ, đi xe, đi thuyền, đi tàu, đi máy bay, đi, đi, đi, đi bất cứ đâu, miễn là thoát khỏi Cộng Sản. Chỗ nào bộ đội Cộng Sản tiến vào là chạy. Từ cao nguyên chạy về đồng bằng, từ Bắc chạy vào Nam, từ các tỉnh chạy về Sài Gòn. Mất Sài Gòn, lại tiếp tục chạy, từ đất liền  ra biển, từ Việt Nam chạy đến các nước khác. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày ấy, người Việt vẫn còn tìm cách chạy khỏi đất nước, dù kiểu chạy bây giờ có khác hơn xưa: du học, bảo lãnh, lấy vợ lấy chồng…

Tị nạn này là bản sao của tị nạn kia. Chế độ ở quê nhà là “nạn,” nên đành phải “tị:” bỏ quê nhà, ra đi lánh nạn.

Nếu tị nạn người Việt 1975 đã đánh động lương tâm toàn nhân loại, thì tị nạn người Ukraine 2022, theo Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn (UNHCR), có thể trở thành “cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế kỷ này.” Tính đến ngày 19 Tháng Tư, 2022, có đến hơn 5 triệu người Ukraine đã rời bỏ đất nước để đến tị nạn tại các nước Châu Âu, trong số đó Ba Lan đã tiếp nhận nhiều nhất: hơn 2.8 triệu người; Romania: 757,000; Hungary 471,000; Moldova: 426,000; Slovakia: 342,000.

Cùng với việc tiếp nhận, các quốc gia ở Châu Âu cũng đã đề ra nhiều biện pháp hỗ trợ người tị nạn. Ba Lan đã thiết lập các trung tâm tiếp nhận dọc biên giới với Ukraine để hỗ trợ người tị nạn về thức ăn, chỗ ở và y tế và cấp số định danh cho những người tị nạn để họ có thể tiếp cận các dịch vụ xã hội và phúc lợi cũng như dễ tìm việc làm. Chính quyền Đức cho mở lại các trại tị nạn vốn được sử dụng trong giai đoạn 2015-2016 khi tiếp nhận các di dân Syria, Afghanistan và Iraq. Người dân Đức cũng đã đổ xô đến nhà ga trung tâm Berlin để cung cấp thức ăn và chỗ ở cho những người tị nạn từ Ba Lan đổ về. Các nước Châu Âu khác, ở xa Ukraine hơn, cũng đã sẵn sàng nhận người tị nạn, quyết định miễn thị thực, cho phép những người tị nạn có thể sống và làm việc tại nước họ trong thời gian ba năm hoặc lâu hơn nữa.

Hơn 5 triệu người Ukraine phải bỏ nước ra đi sau khi Nga xâm lược. Hình AP

Trong số những nước nhận người tị nạn, có cả Nga, là nước tiến hành cuộc xâm lăng không-nguyên-cớ, trực tiếp gây ra thảm kịch tị nạn Ukraine: 550,000. Tại sao có hiện tượng trái khoáy này? Có hai lý do:

-Một là, theo thống kê dân số, có đến 17% dân Ukraine là người gốc Nga. Ngoài ra, sau nhiều thế kỷ bị Nga thống trị, nhiều gia đình người Ukraine có thân nhân sinh sống ở Nga. Cho nên, chẳng lạ gì, giải pháp an toàn nhất của thành phần này là chuyển về lánh nạn ở Nga.

-Hai là, nhiều người gọi là tị nạn ở Nga, thực ra, là những người Ukraine bị quân đội Nga bắt đi bằng võ lực. Bà Iryna Vereshchuk, phó thủ tướng Ukraine, cho biết người Nga đã chuyển hàng chục ngàn dân Ukraine đến các trung tâm thanh lọc ở những vùng do Nga kiểm soát mà không hề liên lạc với chính quyền Ukraine. Theo bà, chính quyền Nga đã lập lại chính sách mà họ đã áp dụng thời Nga xâm lăng Chechnya, một nước láng giềng khác của Nga, mấy thập niên trước: hàng ngàn người Chechen đã bị thẩm vấn và hành hạ ở các trung tâm thanh lọc và rồi sau đó biến mất. Truyền thông Nga cũng đã tường trình những chuyến tàu chở hàng ngàn dân Ukraine bằng tàu hỏa đến định cư ở các vùng Yaroslavi và Ryazan, miền Bắc nước Nga hay xa hơn về vùng viễn đông. Mới đây, trong cuộc tấn công vào thành phố Mariupol, chính quyền Nga cũng đã ép buộc hàng ngàn người dân rời khỏi thành phố Mariupol, tập trung tại một trại tạm thời thiết lập ở Bezimenne, phía Đông Mariupol (1). Theo tạp chí Business Insider, nhiều gia đình bị chuyển đến tận Vladivostok, nằm ở biên giới Nga-Bắc Hàn, cách chỗ ở của họ gần 6,000 km.

Thế nhưng, điều trái khoáy nhất là một hiện tượng ít ai ngờ tới: “người Nga chạy trốn khỏi đất nước mình,” tìm cách đến các nước phương Tây để xin tị nạn. Theo nhà báo và nhà văn Nga Mikhail Viktorovich Zygar, trong bài viết “The Intellectual Exodus from Russia/Escaping Putin,” thì “Nước Nga hiện đang trải qua một cuộc tháo chạy mang tính vô hình nhất trong lịch sử – cuộc di cư hàng loạt của các nhà báo, các nghệ sĩ và các thảo chương viên. Họ là một phần của truyền thống lâu đời của những người trí thức đã buộc phải chạy trốn khỏi sự cai trị thô bạo của Moscow.”

Theo ông: “Khi cả thế giới tập trung vào cuộc chiến kinh hoàng ở Ukraine, một cuộc di cư hàng loạt của các nhà báo, nghệ sĩ, diễn viên và lập trình viên Nga đã bắt đầu. Theo ước tính sơ khởi của chính quyền Georgia, khoảng 20,000 đến 25,000 người Nga đã đến Tbilisi kể từ khi chiến tranh bắt đầu. (…) Trí thức của Nga bay loạn ra mọi hướng, đi những đường vòng kỳ lạ nhất. Thật vậy, sự sợ hãi về những biên giới bị đóng cửa vẫn là một trong những nỗi ám ảnh dai dẳng nhất của tất cả các cư dân cũ của Liên Xô. Trong hơn 20 năm Putin làm tổng thống, khi sự tôn trọng nhân quyền và quyền tự do ngôn luận tiếp tục bị suy giảm, nhiều người Nga đã thiết lập một đường ranh giới đỏ cho chính mình, vượt qua đường biên đó họ sẵn sàng di cư: nếu biên giới bị đóng lại.”

Tính đến ngày 19 Tháng Tư, 2022, hơn 5 triệu người Ukraine đã rời bỏ đất nước để đến tị nạn tại các nước Châu Âu. Trong hình, người tị nạn Ukraine đến Ba Lan tại biên giới ở Medyka, phía Đông Nam Ba Lan vào ngày 8 Tháng Tư. (Hình minh họa: Wojtek Radwanski/AFP via Getty Images)

Tại sao? Tại nỗi ám ảnh: chủ nghĩa Cộng Sản sẽ tái xuất hiện ở nước Nga. “Vào Tháng Mười, 1917, những người Bolshevik tổ chức một cuộc đảo chính và lật đổ chính phủ lâm thời cấp tiến. Vài tháng sau, họ đóng cửa các biên giới, cấm việc đi ra nước ngoài, việc xuất cảng tiền và vật dụng có giá trị ít hẳn lại. Giới quý tộc Nga, các nhà thơ của Thời Đại Bạc (Silver Age), các nghệ sĩ tiên phong xuất chúng, các vũ công múa ba lê Nga, các nhà khoa học, các nhà văn và các nhà báo buộc phải tìm cách trốn chạy, từ bỏ tất cả của cải tài sản của mình.” (2)

Ông Zygar gọi đó là “một cơn chấn thương lịch sử mà xã hội Nga vẫn chưa vượt qua được, dù nó đã nằm ở đấy trong quá khứ hơn một trăm năm.” Chính quyền Cộng Sản Nga Xô Viết là chính quyền đầu tiên xuất cảng người tị nạn vào đầu thế kỷ 20.

Những người tị nạn đi đâu? Tất cả đều chạy qua các nước tư bản. Và điều này trở thành truyền thống.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi các nước Đông Âu nằm dưới các chính quyền Cộng Sản, thì người dân Đông Âu chạy trốn qua các nước Tây Âu.

Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, dân Bắc Hàn chạy vào Nam Hàn.

Khi cuộc nội chiến Trung Hoa chấm dứt, dân lục địa chạy ra Đài Loan, chạy đến Hồng Kông.

Khi Trung Quốc chiếm Tây Tạng, dân Tây Tạng trốn qua Ấn Độ.

Một trại tỵ nạn người Việt chạy trốn Cộng sản.

Khi Hiệp Định Genève ký kết, 1 triệu dân miền Bắc chạy vào miền Nam Việt Nam. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, bất cứ nơi nào quân Cộng Sản đến thì dân chúng chạy vào những vùng có quân đội Việt Nam Cộng Hòa hay Mỹ kiểm soát. Trong cuộc chiến 1975, hễ vùng nào Cộng Sản chiếm là dân chúng luôn bỏ chạy về vùng quốc gia.

Khi Cộng Sản chiếm Sài Gòn, dân miền Nam và cả dân miền Bắc chạy ra biển. Đi đâu? Đi Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hồng Kông, Philippines, đi Anh, Pháp, đi Mỹ, Canada, Úc, đi Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Tây Đức…

Không ai đi Nga, Trung Quốc, hay đi Bắc Hàn, Cuba; cũng không ai đi những nước Đông Âu Cộng Sản như Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania, Đông Đức. Mà có chạy đến, các chính quyền Cộng Sản ở đó cũng không nhận.

Ấy thế mà bây giờ dân Ukraine lại chạy qua tị nạn tại các nước Đông Âu và được chính quyền và nhân dân các nước này đón tiếp họ một cách ân cần và nồng hậu. Tại sao? Rất đơn giản: các nước Đông Âu đã là những nước dân chủ. Cũng đất nước đó, cũng nhân dân đó, trước đây, đã từng xua người đi bây giờ lại đón người vào! Những trái tim sắt đá bỗng trở thành những trái tim nhân hậu.

Hóa ra, chỉ có những nước dân chủ tự do, những nước tư bản mới sẵn sàng đón nhận và cưu mang người tị nạn. Dù bị những người Cộng Sản lên án là bóc lột, đàn áp, không hề có hiện tượng “tị nạn tư bản,” “tị nạn tự do” hay “tị nạn dân chủ:” không ai trốn chạy khỏi các nước tư bản hay các nước theo chế độ dân chủ để đến xin tị nạn ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn hay Miến Điện! Chỉ có tị nạn độc tài, tị nạn Cộng Sản.

Có phải người dân ở các nước Cộng Sản không có lòng nhân hậu? Không! Chính người cầm quyền, hay nói cho rõ ràng, chính đảng Cộng Sản là kẻ triệt tiêu lòng nhân hậu. Cách cư xử của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đối với công dân của họ trong cái gọi là “chiến dịch giải cứu” đồng bào bị kẹt ở nước ngoài trong cơn đại dịch vừa qua, cho ta một bằng chứng hết sức cụ thể.

Một tạp chí trong nước, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, tóm tắt “chiến dịch” đó như sau: “Trong khi chính phủ các quốc gia khác, kể cả những lân bang với Việt Nam như Thái Lan mua lại chỗ trên những chuyến bay không tải vào Thái để đưa công dân Thái hồi hương thì Việt Nam không… thèm làm như thế. Việt Nam tổ chức những chuyến bay không tải từ Việt Nam đi một số nơi để đưa công dân Việt Nam hồi hương và bắt họ trả chi phí gấp bốn, năm lần mức bình thường!”

Nhiều viên chức cao cấp Cộng Sản đã bị bắt: Nguyễn Thị Hương Lan, cục trưởng Cục Lãnh Sự thuộc Bộ Ngoại Giao; Đỗ Hoàng Tùng, phó cục trưởng; Lê Tuấn Anh, chánh văn phòng của cục; và Lưu Tuấn Dũng, phó Phòng Bảo Hộ Công Dân của cục này. Và mới đây là Tô Anh Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao.

Họ là những cá nhân riêng lẻ phạm tội một cách riêng lẻ? Không! Cũng như hàng ngàn vụ việc tày trời khác đều đặn diễn ra hết năm này qua tháng khác: cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, biến cố Mậu Thân, lao động cải tạo, kinh tế mới, bài trừ văn hóa đồi trụy, Vinashin, Đồng Tâm, Việt Á… vân vân và vân vân. Họ là con đẻ vô tâm của một cơ chế vô tâm. Một cơ chế chỉ để sản xuất ra người tù và người tị nạn. (N/V)

Chú thích:

(1) BBC: Laurence Peter, Russia transfers thousands of Mariupol civilians to its territory; www.bbc.com/news/world-europe-60894142

The Guardian: Hundreds of Ukrainians forcibly deported to Russia, say Mariupol women; www.theguardian.com/world/2022/apr/04/hundreds-of-ukrainians-forcibly-deported-to-russia-say-mariupol-women

(2) Mikhail Viktorovich Zygar, The Intellectual Exodus from Russia/Escaping Putin,

Bùi Vĩnh Phúc dịch “Cuộc tháo chạy khỏi nước Nga của giới trí thức; https://damau.org/73208/cuoc-tho-chay-khoi-nuoc-nga-cua-gioi-tr-thuc