Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

3 Nhà báo độc lập bị kết án tổng cộng 37 năm tù và 9 năm quản chế

Các nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn tại phiên tòa ngày 5/1/2021 tại Tp. Hồ Chí Minh. Photo Tiền Phong

Hôm 5/1, ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị kết án tổng cộng 37 năm tù và 9 năm quản chế, một luật sư bào chữa cho VOA biết. Riêng ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội, bị phạt 15 năm tù và 3 năm quản chế.

Hai thành viên còn lại Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi người bị phạt 11 năm tù và 3 năm quản chế trong vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 do Tòa án Nhân nhân Tp. Hồ Chí Minh xét xử ngày 5/1.

Ba nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng (phải) Nguyễn Tường Thụy (giữa) và Lê Hữu Minh Tuấn. (Hình: Internet)

Ông Nguyễn Văn Miếng, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Tường Thụy, nói với VOA:

“Đây là một mức án rất nặng nề trong giai đoạn hiện nay khi mà Việt Nam đang tranh thủ sự quan tâm của quốc tế.

“Ba người này đã thể hiện quyền tự do báo chí và cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền nhưng đã bị tòa án kết án “tuyên truyền chống nhà nước,” “cổ xúy cho việc thay đổi thể chế chính trị thành tam quyền phân lập”. Điều này đã bị các bị cáo bác bỏ.”

Ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù và 3 năm quản chế, ngày 5/1/2021.
Ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù và 3 năm quản chế, ngày 5/1/2021.

Luật sư Miếng lặp lại phát biểu sau cùng của ông Dũng tại tòa:

“Cuối phiên tòa ông Phạm Chí Dũng nói rằng nếu ông bị kết án với mức án nặng nề là việc vi phạm trắng trợn quyền tự do về báo chí, cũng như các quyền về dân chủ và nhân quyền khác ở Việt Nam, và sẽ bất lợi cho mối bang giao giữa Việt Nam và các nước khác trong giai đoạn hiện nay.”

Bà Bùi Thị Hồng Loan, vợ của ông Phạm Chí Dũng, người được dự phiên tòa hôm 5/1, cho VOA biết rằng nếu chiếu theo khung hình phạt 10-20 năm tù của khoản 2 Điều 117 thì bà không ngạc nhiên về bản án đối với chồng bà, nhưng đối chiếu với bản cáo trạng thì bà cảm thấy buộc tội như vậy là “mơ hồ.”

Nhóm anh em dân chủ Đak Lak đồng hành cùng các nhà báo độc lập. (Hình: FB)

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) hôm 5/1 cho VOA biết rằng RSF “thực sự kinh hãi trước những bản án rất nặng nề này.”

“Càng kinh ngạc hơn khi biết rằng phiên xử chỉ kéo dài chưa đầy nửa ngày. Phiên tòa cho thấy giới lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện nay coi thường hoàn toàn Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và điều 25 của Hiếp pháp này, trong đó tuyên bố quyền tự do báo chí,” ông Daniel Bastard, Trưởng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của RSF viết.

“Phiên tòa này một lần nữa thể hiện sự kém cỏi của nền công lý Việt Nam,” ông Bastard nhận định.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho biết các bản án này cho thấy sự khinh thường của chính phủ Việt Nam đối với truyền thông tự do, đặc biệt là trước thềm Đại hội Đảng XIII.

Bà Emerlynne Gil, Phó giám đốc khu vực của AI cho Reuters biết: “Mức độ nghiêm trọng của các bản án cho thấy mức độ sâu sắc của các cơ quan kiểm duyệt của Việt Nam.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, vào ngày 4 tháng 1 lên tiếng về phiên xử 3 người thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, diễn ra vào ngày 5/1/2021 tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba người đi đưa ra xét xử gồm ông Phạm Chí Dũng- Chủ tịch; ông Nguyễn Tường Thụy-Phó chủ tịch; và Lê Hữu Minh Tuấn – Biên tập viên. Cả ba bị cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán tài liệu, vật phẩm nhằm chống chính quyền’ theo khoản 2 điều 117, Bộ Luật Hình sự Việt Nam, sửa đổi năm 2017.

Phó Giám đốc Phân Ban Châu Á của HRW, Phil Robertson, trong thông cáo đưa ra ngày 4 tháng 1, nêu rõ ba ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn bày tỏ quan điểm chỉ trích mà chính quyền Việt Nam không muốn nghe. Điều đó đủ để khiến chính quyền Việt Nam bỏ tù họ theo những cáo buộc ngụy tạo.

Phó Giám đốc Phân Ban Châu Á của HRW, Phil Robertson.

Ông Phil Robertson cho rằng tuyên bố tôn trọng dân chủ của chính phủ Việt Nam chỉ là lời nói dối. Nên dân chủ sẽ chết nếu không có tự do ngôn luận và tự do báo chí. Việc làm của các phóng viên công dân độc lập tương tự như ba người vừa nêu là dám chỉ ra những sai trái và yêu cầu cải cách để chấm dứt tình trạng lạm quyền. Vào khi đại hội toàn quốc sắp đến trong tháng này, Đảng Cộng sản không hề dừng tay đàn áp đối lập. Nếu Đảng Cộng sản chắc chắn về sự lãnh đạo của họ, thì nên bày tỏ sự tự tin qua việc tôn trọng các quyền dân sự và chính trị, chấm dứt biện pháp quản lý chặt chẽ báo chí, và cho phép các nhà báo độc lập được tự do bày tỏ ý kiến thay vì buộc họ phải im lặng bằng sự bắt bớ và tuyên án tù nhiều năm. Tuy thế, tất cả đều biết Việt Nam đang còn xa đối với thực tế tôn trọng các quyền như thế.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, bị bắt và khởi tố bị can ngày 21/11/2019 tại Tp. HCM. Ông có những bài viết phản biện xã hội đã được đăng trên trang web của Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam, các trang báo nước ngoài cũng như mạng xã hội.

Nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, Phó Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam bị bắt tại Hà Nội ngày 23/5/2020 và bị di lý vào Trại giam Chí Hoà, Tp. HCM cùng ngày. Ông có đóng góp các bài viết trên trang blog của Đài Á Châu Tự Do.

Anh Lê Hữu Minh Tuấn, thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, bị bắt ngày 12/6/2020 tại Quảng Nam và được đưa vào Tp. HCM để phục vụ điều tra.

Vụ án kết thúc điều tra ngày 15/10/2020. (VOA, RFA)