11 Tác hại của nghiện smartphone và mạng xã hội
Nếu cảm thấy mình đang dành quá nhiều thời gian cho Facebook, Instagram và các ứng dụng mạng xã hội khác, bạn có thể đã bị nghiện.
Mạng xã hội hiện trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok… được sử dụng rộng rãi để giao tiếp, chia sẻ thông tin, giải trí.
Mạng xã hội cung cấp một lượng lớn nội dung, đa dạng từ hình ảnh, video đến các bài viết và thông tin thú vị. Các nền tảng cho phép người dùng dễ dàng kết nối với bạn bè, gia đình và người khác trên thế giới. Sử dụng mạng xã hội trở thành một thói quen phụ thuộc, khiến người dùng cảm thấy khó lòng ngừng lại dù có nhận thức được tác động tiêu cực của nó.
Vậy, dưới đây là 11 tác hại của mạng xã hội đến sức khoẻ cũng như tâm lý của con người:
1. Não không có thời gian nghỉ ngơi
Nhiều người trong chúng ta có thói quen lướt mạng xã hội bất cứ khi nào rảnh rỗi. Điều này khiến bạn mất đi khoảng thời gian để não được thư giãn và nghỉ ngơi thực sự.
Tác hại của nghiện mạng xã hội quá nhiều là gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc cũng như chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn. Thậm chí bạn có thể trở nên nghiện mạng xã hội đến mức khó tập trung làm việc.
2. Giảm tương tác trực tiếp
Hiện nay, tình trạng bạn bè dán mắt vô điện thoại vào các cuộc hội họp đầu năm khá phổ biến. Một trong những tác hại của mạng xã hội là khiến bạn không thể tập trung vào cuộc sống thật.
Nghiện mạng xã hội khiến bạn sống “ảo” nhiều hơn sống “thật”. Thời gian cho người thật việc thật bị giảm. Điều này có thể khiến các mối quan hệ của bạn bị rạn nứt.
3. Bắt nạt qua mạng
Bắt nạt qua mạng là khi bất cứ một cá nhân nào bị đe dọa, xâm hại, bị tra tấn tinh thần qua tin nhắn, mạng xã hội… Ví dụ: như các tin đồn nói xấu vô căn cứ từ các “anh hùng bàn phím”. Nhiều người sau khi sử dụng mạng xã hội đã trở nên phán xét nhiều hơn ở trên mạng với những điều mà ngoài đời họ không dám nói ra.
Bắt nạt qua mạng có thể dẫn tới rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, tự làm đau bản thân và thậm chí tự tử. Nạn nhân thường thiếu tự tin và tổn thương sự tự trọng nặng nề, có cảm giác sợ hãi, buồn bã, tức giận nhiều hơn sau khi bị bắt nạt.
4. Tác hại của internet khiến bạn suy nghĩ tiêu cực
Các thông tin tràn lan trên mạng xã hội thường có nhiều nội dung không chính xác. Nguyên nhân là vì đa số bài viết đều không được kiểm chứng trước khi đăng tải. Tuy nhiên, nếu thường xuyên tiếp xúc với những luồng thông tin đó, bạn dễ dàng nảy sinh suy nghĩ tiêu cực.
Thế giới ảo có thể mang đến những suy nghĩ thiếu tích cực, dễ dẫn đến căng thẳng, lo lắng, thậm chí là các bệnh lý như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn nhân cách kiểu hoang tưởng.
5. Bị mạo danh
Hiện nay, việc lừa đảo thông tin online, lấy đi thông tin người dùng bằng một đường dẫn dính virus đã trở nên khá phổ biến. Một trong những tác hại của internet là có thể khiến bạn bị mạo danh.
Tài khoản của bạn có thể bị mất và sẽ có người mạo danh bạn thực hiện các hành động phi pháp như lừa gạt tiền bạc danh sách bạn bè trên mạng của bạn.
Hoặc đơn giản là thông qua mạng xã hội, kẻ xấu cũng có rất nhiều chiêu lừa đảo như lừa tình, lừa tiền và tự nhận là tuyển dụng, cảnh sát… khiến bạn tự sập bẫy.
6. Lơ là mục tiêu
Một tác hại khác của mạc xã hội là khiến bạn đánh mất mục tiêu. Khi bạn quá chú tâm vào mạng xã hội thì bạn sẽ quên đi các nhiệm vụ, mục tiêu mà bạn muốn hoàn thành. Thời gian dành cho việc phát triển bản thân, học hỏi thì bạn có thể lại đem đi xài hoang phí chỉ bằng việc lướt mạng và đọc các thông tin không cần thiết.
Bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi khi quá sa đà vào mạng xã hội và dẫn đến việc học sa sút, thiếu kỹ năng cần thiết cho công việc, chất lượng sống mỗi ngày giảm đi.
7. Thích được chú ý
Sau một thời gian dài sử dụng, bạn dễ rơi vào trạng thái thích được đăng tải nhiều điều trong cuộc sống hơn và nhận lại lượt thích. Đôi khi bạn có thể cảm thấy những cái like “ảo” trên mạng là điều cần thiết mỗi khi bạn đăng bất cứ điều gì.
Mạng xã hội góp phần tăng sự ganh đua, sự cạnh tranh không ngừng nghỉ để tìm kiếm những cái like ảo. Người dùng có thể rơi vào trạng thái tự ti chỉ vì bài đăng ít like.
8. Tác hại của nghiện mạng xã hội làm bạn dễ bị mất ngủ
Ánh sáng tỏa ra từ màn hình các thiết bị điện tử sẽ đánh lừa não của bạn là chưa đến giờ ngủ. Đôi khi bạn đã cảm thấy buồn ngủ nhưng vẫn muốn lướt Facebook theo thói quen và hậu quả là sau đó bạn đã không thể ngủ sớm như kỳ vọng.
Hậu quả của tình trạng thiếu ngủ sẽ khiến bạn phải đối mặt với những cơn căng thẳng, gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe và tinh thần. Bạn dễ cáu kỉnh và lo lắng, căng thẳng và dễ phạm sai lầm hơn trong công việc.
9. Tình yêu đổ vỡ
Đối với các cặp đôi thường xuyên sử dụng mạng xã hội để liên lạc với đối phương thì thường dễ xảy ra nhiều vấn đề. Nguyên nhân là vì các tin nhắn rất khó để chuyển tải đúng đắn nội dung mà người gửi muốn nói, dễ gây ra hiểu nhầm và cãi vã.
Mạng xã hội xuất hiện dẫn đến tình trạng cãi nhau hay thậm chí là chia tay qua tin nhắn. Điều này có thể gây nên tổn thương to lớn cho người bị động vì họ có thể phải đối mặt với sự tổn thương khi thấy chữ “đã xem” nhưng không trả lời.
10. Tác hại của mạng xã hội khiến bạn trở nên tự ti
Những gì người ta khoe khoang trên mạng không hẳn là con người thật của họ. Tuy nhiên, khi nhìn thấy những hình ảnh bạn bè với các chuyến du lịch khắp nơi có thể khiến bạn cảm thấy ganh tị và tự ti vì mình chưa làm được những điều tương tự.
Việc thường xuyên so sánh những thành tựu của mình với bạn bè trên mạng sẽ dễ ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, khiến bạn trở nên khép kín, ghen ghét và tự ti hơn.
11. Hạn chế khả năng sáng tạo
Một hậu quả của nghiện mạng xã hội chính là làm tê liệt và giết chết quá trình sáng tạo. Quá trình lướt các trang mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok, có tác động suy giảm hoạt động não bộ tương tự như khi xem tivi trong vô thức. Ngoài ra chúng còn làm khả năng tập trung của bạn suy giảm. Nếu hôm nay bạn có kế hoạch làm việc thì hãy hạn chế thời gian sử dụng.
Lợi ích của mạng xã hội cũng có không ít như mang chúng ta đến gần nhau hơn qua việc dễ dàng nắm bắt được tình hình cuộc sống của nhau. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh nhằm tránh các tác hại của mạng xã hội có thể khiến bạn sa sút tinh thần, tiêu cực trong cuộc sống hơn nhé. (T/H, NTD)